NUÔI ONG LẤY MẬT TRONG LÒNG THÀNH PHỐ!

Thứ năm, 27/02/2020, 11:32 GMT+7
  • 10:30, 28/03/2016
  • 6918
  • 10 bình luận

NUÔI ONG LẤY MẬT TRONG LÒNG THÀNH PHỐ!

Có thể nuôi ong mật và thu hoạch mật ong giữa lòng thành phố hay không? Nuôi ong liệu có bị ong chích hay không? Chất lượng mật ong sau thu hoạch giữa phố, so với mật ong thiên nhiên ở các trang trại, khác nhau như thế nào?

nuoi-ong-noc-nha-paris

Nuôi ong mật và thu hoạch mật ong giữa lòng thành phố

Chuyện tây chuyện ta

Tuần rồi, luật gia Nguyễn Tiến Thành ở quận 10 (TP.HCM) đã đăng dòng trạng thái “Chăm chỉ như ong” kèm theo một đoạn clip tự quay ở trang facebook cá nhân, khi có một đàn ong ở đâu đến làm tổ trên sân thượng nhà mình, làm cho nhiều bạn bè của anh này thích thú.

Thật ra, việc ong ở đâu đó đến làm tổ trong các căn nhà giữa lòng thành phố cũng không phải là chuyện gì quá mới, bởi tập tính của loài ong là thường hay tách ra để hình thành đàn mới, nhất là ở những nơi thường có nhiều hoa.

Ngay giữa Paris hoa lệ, một người đàn ông tên Nicolas Géant đã đặt 2 tổ ong trên mái của Grand Palais, cung văn hoá nằm trên đại lộ sang trọng nhất Paris Champs-Élysées, kế bên khu vườn của phủ tổng thống và cung điện Tuileries bởi vì nơi này vốn có nhiều hoa. Việc làm thú vị này đã khiến cả đài truyền hình FT1 và nhật báo Le Monde đều phải cử phóng viên tới để làm phóng sự. Còn ở Lille, cách Paris khoảng 200km về phía bắc, một người đàn ông tên Vincent Hennion đã chăm sóc ba tổ ong đặt trên mái của nhà hát kịch của thành phố này cũng như các tổ ong của vườn bách thảo và trại ong của anh, để rồi mỗi năm anh phải tiếp khoảng 5.000 người muốn tìm hiểu về ong.

Chỉ riêng tại thủ đô Paris của Pháp, trên nóc các tòa nhà nổi tiếng như Nhà hát opéra Garnier, Bảo tàng Musée d’Orsay, tòa nhà École Militaire, Institut de France, Nhà thờ Đức Bà, nay có hàng trăm đàn ong cũng đang sinh sôi, tạo mật.

   dan_ong_thanh_pho  nuoi_ong_mat_tren_mai_nha

Tổ ong trên Nhà thờ Đức Bà - Paris

Tại Bảo tàng Angewandte Kunst ở thành phố Frankfurt của Đức, có khoảng một chục tổ ong được nuôi. Nhiều khách sạn trong thành phố như Jumeirah Frankfurt cũng tham gia nuôi ong trên nóc để lấy mật phục vụ ngay trong khách sạn.

Ở Bảo tàng Mỹ thuật St. Petersburg (Mỹ) và trên sân thượng của tòa nhà Greenpoint tại Brooklyn ở thành phố New York đều có những thùng ong do gần đó có thảm cỏ xanh, rất nhiều hoa. Do hút mật từ nhiều loại hoa khác nhau, mật của những đàn ong đô thị này có hương vị rất đặc biệt và có giá đến 134 USD/kg, đắt gấp nhiều lần mật ong thông thường.

Nằm giữa các tòa nhà cao tầng như Centre Point, chung cư Novaland… giữa các con phố sầm uất, hướng ra sân bay Tân Sơn Nhất, ngay tại địa chỉ 241A Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận (TP.HCM) - trụ sở của Công ty Cổ phần Ong mật TP.HCM (Behoex Corp) - đã tổ chức nuôi thí nghiệm và thu hoạch thành công mật ong, giữa sự bất ngờ của nhiều người. Trong lần thu hoạch mật ong ngày 24/2 vừa qua, Behonex Corp đã trực tiếp khai thác được gần 5 lít mật ong sánh vàng thơm ngon, chỉ 10 ngày sau lần thu hoạch trước đó. Rất tình cờ, anh Khoa - một khách hàng đang mua các sản phẩm mật ong ngay ở Honey Boutique - cũng chứng kiến quá trình thu hoạch và được mời thưởng thức ngay tại chỗ những miếng bánh tổ có mật ong sánh vàng thơm lựng.

mat-ong-thanh-pho   mat-ong-thanh-pho-Behonex

Thu hoạch mật ong trong lòng thành phố

Anh Lê Văn Sinh, cán bộ của Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển ong mật (thuộc Behonex Corp) cho biết: “Loài ong mà công ty chúng tôi nuôi thử nghiệm tại đây là loài ong Ý rất hiền, nếu chúng ta không chọc phá tổ của nó. Đang giữa mùa xuân, các loài hoa nở nhiều và xung quanh công ty có nhiều vườn hoa nên cứ 7 đến 10 ngày chúng tôi lại thu hoạch 1 đợt, thu được 3 - 4kg mật ong thô. Trong mùa mật trải dài khoảng 5 tháng, chúng tôi có thể thu hoạch 10 lần, khoảng 30kg/thùng ong, tương đương với 25 lít mật. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật này đến với mọi người!”.

Ong và người chung sống chan hòa

Việc nuôi và thu hoạch được mật ong trong lòng thành phố TP.HCM nói lên một điều, dù không khí có ô nhiễm, biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa rầm rộ… song thành phố vẫn còn là một môi trường xanh của loài ong. Những mảng xanh dù ngày càng bị thu nhỏ lại này, phần nào đó có thể tạo thành hành lang xanh cho các loài côn trùng, giúp gia tăng đáng kể các loài sinh vật trong đô thị.

Trong thực tế, ong và các sinh vật thụ phấn đã giúp nhiều loài cây có hoa sinh sôi và thụ phấn cho hơn 3/4 cây trồng của thế giới. Nếu cân đong đo đếm được, thì công sức của các loài sinh vật nhỏ bé này “quy ra thóc” với con người ước tính vào khoảng 235 đến 577 tỉ USD trên toàn  cầu.

Theo một nghiên cứu của Đại học Holloway (Anh) đăng trên tạp chí Royal Society Journal năm 2018, loài ong đang thích nghi và thậm chí có thể sống tốt trong môi trường đô thị hơn là tự nhiên. Nghiên cứu này đã so sánh và cho thấy những chú ong ở “phố thị” khỏe hơn, có nhiều thức ăn hơn, và ít bệnh tật hơn so với ong “nhà quê”. Điều này được lý giải là do quá trình công nghiệp hóa trong nông nghiệp như chuyên canh một loại cây trồng, sử dụng nhiều hóa chất... dần dà đã gây ảnh hưởng lớn đến loài ong trong tự nhiên. Ngược lại, ong dù nuôi trong đô thị nhưng lại có khả năng tạo ra nhiều mật hơn và có tỉ lệ sống sót qua thời tiết khắc nghiệt cao hơn, nhờ môi trường đa dạng các loại cây trồng và không bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu.

Trong một phát biểu tại Ngày ong thế giới năm 2019, ông Jose Graziano da Silva - Tổng giám đốc của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) mong muốn thấy các quốc gia cần chuyển sang các chính sách và hệ thống thực phẩm bền vững và thân thiện với các loài thụ phấn hơn. Theo ông, mỗi người cũng có thể góp phần nhỏ. “Ngay cả việc trồng hoa tại nhà cũng là nỗ lực giúp đỡ loài ong”. Hiện nay, ở Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, Bảo tàng Nghệ thuật Whitney tại New York, cũng bắt đầu nuôi ong như một hình thức bảo vệ và làm tăng nhận thức về đa dạng sinh học ngay trong thành phố.

nuoi_ong_tren_san_thuong

Nuôi ong lấy mật trong các đô thị

Dù giá trị kinh tế không lớn, nhưng việc nuôi ong lấy mật trong các đô thị cũng góp phần hỗ trợ các cộng đồng địa phương. Tại Nhật Bản, việc nuôi ong là thú vui cho người già, nhân viên văn phòng, hay trẻ em ở các thành phố. Trong khi anh chàng Nicolas Géant mà chúng tôi có nhắc ở đoạn trên đang muốn đặt ở đó 2 tổ ong của mình, mỗi tổ chứa từ 80.000 đến 90.000 con vào mùa hè, và tiếp đó là 3 tổ nữa để nhắm đến “mục tiêu 1,5 tấn mật/năm” thì anh Vincent Hennion đã bắt đầu bán tổ ong cho nhiều người muốn đặt chúng trong vườn của họ.

Ong rất ít khi làm tổ trong nhà vì có nhiều mối nguy hiểm do có đông người nhưng nếu nuôi được các thùng ngay trong nhà, chứng tỏ nhà bạn khá an toàn, có sinh khí trong lành, xung quanh có khá nhiều cây, hoa cỏ. Một số người nói vui theo phong thủy, là nuôi ong trong nhà mà thu được mật là điều hết sức may mắn, con ong vốn chăm chỉ, đoàn kết, luôn mang lại sinh khí dương giúp nhà bạn luôn tràn đầy sức sống, gia đình hạnh phúc, mang lại may mắn về tài lộc và sức khỏe cho gia chủ.

Nuôi ong lấy mật trong thành phố ngoài việc góp phần bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, như là trách nhiệm của con người có niềm vui với cây cỏ, còn là việc làm để thỏa mãn đam mê công việc chăn nuôi của một số người vì đây là một nghề không đòi hỏi nhiều thời gian và sức lao động, thu được thực phẩm sạch, không tốn đất và luôn bảo tồn thiên nhiên!

Ý kiến bạn đọc